Hình ảnh hoạt động

THÔNG BÁO

Liên kết website

 

 

 

 

 

Chi tiết

TPI – công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp ngành Công Thương cải tiến toàn diện và bền vững

11/06/2025

(VietQ.vn) - Mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPI) đang được xem là một giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp ngành Công Thương bứt phá về năng suất, chất lượng và khả năng thích ứng với thị trường.

Mô hình cải tiến năng suất tổng thể là giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp

Trước bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi xanh và số hóa diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong ngành Công Thương, đang đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPI) đang được xem là một giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp bứt phá về năng suất, chất lượng và khả năng thích ứng với thị trường.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển nhanh theo xu hướng số hóa, xanh hóa và toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng đang đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh gay gắt.

Do đó, để đứng vững và phát triển bền vững, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ hay tài nguyên thiên nhiên, mà cần chuyển sang phát triển dựa trên năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo.

Thực tế, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện mô hình cải tiến năng suất tổng thể gọi tắt là TPI (Total Productivity Improvement). Đây được đánh giá như một công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp cải tiến một cách toàn diện và bền vững.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, thay vì áp dụng các công cụ cải tiến năng suất rời rạc như: Hệ thống quản lý chất lượng ISO, Kaizen, Lean, 5S... TPI là một hệ thống tích hợp cải tiến năng suất đồng bộ từ chiến lược đến hành động, từ cấp lãnh đạo đến từng nhân viên. Mô hình này cung cấp một phương pháp tiếp cận tổng thể, hệ thống và linh hoạt, hướng đến việc nâng cao năng suất một cách bền vững, bằng cách tác động đồng bộ tới chiến lược, quản trị, công nghệ, con người và quá trình sản xuất.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương - nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất công nghiệp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, khả năng đổi mới công nghệ nhanh và mức độ thỏa mãn khách hàng ngày càng khắt khe. Theo đó, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc triển khai mô hình TPI là một giải pháp chiến lược, giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất nội tại, cải thiện hiệu quả vận hành và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng nhờ mô hình TPI

Ông Nguyễn Tùng Lâm thông tin thêm, việc triển khai mô hình TPI sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Điển hình tại Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam – Chi nhánh CADIVI Tân Á đã triển khai thử nghiệm thành công mô hình TPI giai đoạn 2019–2020 dưới sự hỗ trợ của Viện Năng suất Việt Nam. Sau khi tiếp cận chương trình thí điểm của Bộ Công Thương do VNPI tư vấn, công ty chọn triển khai 4 trụ cột chính: cải tiến công nghệ liên tục, quản lý theo quá trình, tổ chức định hướng khách hàng và giảm thiểu lãng phí.

CADIVI Tân Á thực hiện quy trình gồm: đánh giá hiện trạng; đào tạo đội ngũ cốt cán; triển khai giải pháp cải tiến; đánh giá kết quả và duy trì. Nhờ áp dụng hệ thống vệ sinh – kiểm tra – bôi trơn chuẩn, cải tiến phương pháp vận hành và quản lý chuyển đổi khuôn, công ty giảm thời gian dừng máy từ 40 phút xuống còn 24,1 phút, tăng chỉ số OEE trung bình lên 20 điểm, một số máy đạt đến 33 điểm.

Ngoài ra, CADIVI thiết lập cơ chế treo thẻ AM để theo dõi tình trạng thiết bị, chuẩn hóa quy trình phát hiện lỗi và cải thiện nhanh chóng, phân công trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ kỹ thuật trong mỗi sự cố nhỏ. Kết quả là tăng năng suất lao động 20% so với cùng kỳ, hiệu suất thiết bị vượt mục tiêu và nâng cao rõ rệt văn hóa cải tiến tại phân xưởng.

Thành lập từ năm 1994, Công ty TNHH VICO (tiền thân là công ty Sao Biển, địa chỉ số 94 đường 208, An Đồng, An Dương, Hải Phòng) đã vươn lên, trở thành một trong số doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực sản xuất kinh doanh bột giặt, chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm và xuất nhập khẩu hóa chất chuyên nghành.

Công ty TNHH Vico từng áp dụng thành công mô hình TPI trong giai đoạn thí điểm. Mặc dù dự án diễn ra trong thời gian ngắn và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bước đầu công ty đã ghi nhận hiệu quả rõ rệt. Vico triển khai đồng thời các trụ cột TPI như cải tiến quy trình sản xuất, giảm lãng phí và nâng cao kỹ năng nhân sự; tập trung cải tiến vận hành, áp dụng các công cụ kiểm soát chất lượng và quản lý trực quan. Nhờ đó, công ty đã đạt được bước tiến trong hiệu quả tổng thể và cải thiện chỉ số năng suất lao động. Dự kiến, trong thời gian tới, Vico sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các giải pháp này, nhằm xây dựng hệ thống sản xuất thông minh gắn với cải tiến lâu dài.

Hay Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai đã ứng dụng mô hình TPI qua sáng kiến “Cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình xe gắn máy”, áp dụng phương pháp TVP (Theoretical Value Based Production) để phân tích từng bước kỹ thuật và loại bỏ thao tác không tạo giá trị. Sau gần một năm, doanh nghiệp tiết giảm được 900 triệu đồng chi phí nhân công mỗi năm, đồng thời tăng năng suất dây chuyền thêm 2,27%.

Chiến lược bao gồm xác định và loại bỏ các nút thắt, tối ưu luồng sản xuất, áp dụng hệ thống kiểm soát từ đầu đến cuối, đồng thời nâng cao kỹ năng nhân viên vận hành. Kết quả không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn chuẩn hóa được quy trình, tinh gọn tổ chức sản xuất. Pinaco hiện đang có kế hoạch nhân rộng TVP và TPI sang các nhà máy thành viên, nhằm tăng hiệu quả cả hệ thống.

Theo các chuyên gia năng suất, các doanh nghiệp như CADIVI và Vico đã chứng minh TPI không chỉ là một công cụ cải tiến năng suất đơn thuần mà còn là nền tảng để xây dựng văn hóa tổ chức, tối ưu hóa quy trình vận hành và chuẩn bị cho chuyển đổi số. Mô hình TPI tạo động lực phát triển bền vững: nâng cao hiệu quả thiết bị, giảm chi phí dừng máy, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

An Dương

Nguồn: vietq.vn (05:23 10/6/2025)

banner

Image result for Giai thuong chat luong quoc gia

 

Số lượt truy cập

  • Online : 20241
  • Trong ngày : 20370
  • Lượt truy cập : 0683106