Hình ảnh hoạt động
THÔNG BÁO
LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
Thông tin cần biết
Liên kết website
Chi tiết
Xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng - kiểm soát chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh


.jpg)
(VietQ.vn) - Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sầu riêng không chỉ giúp kiểm soát chất lượng, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Công nghệ bảo quản và thách thức trong xuất khẩu
Hiện nay, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia dưới dạng tươi và cấp đông. Trong đó, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, nhưng cũng là nơi áp dụng hàng loạt quy định kỹ thuật khắt khe. Nếu không đáp ứng tốt các yêu cầu về mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, doanh nghiệp Việt Nam có thể mất đi cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sầu riêng xuất khẩu là công nghệ bảo quản. Trước đây, phương pháp cấp đông truyền thống bằng máy nén mất từ 6 - 8 giờ để đạt nhiệt độ -18°C cho một container 40 feet. Hiện nay, với công nghệ cấp đông bằng khí nitơ lỏng, thời gian này rút ngắn chỉ còn khoảng 1 giờ, giúp bảo quản hương vị, màu sắc và kết cấu của sầu riêng tốt hơn.
S
ầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nguồn cung khí nitơ và các thiết bị đi kèm lại là một thách thức lớn. Khi sản lượng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng mạnh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan – nước đã ứng dụng công nghệ này từ lâu. Malaysia cũng từng gặp tình trạng thiếu hụt khí nitơ khi chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Đây là bài học quan trọng để Việt Nam có sự chuẩn bị chủ động, tránh bị gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng xuất khẩu là tình trạng thu hoạch trái chưa đạt độ chín. Một số nhà vườn và thương lái vì chạy theo lợi nhuận đã cắt sầu riêng non để bán giá cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sản phẩm và thương hiệu quốc gia.
Theo các chuyên gia, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc với hành vi thu hoạch trái chưa đạt chuẩn.
Ngoài ra, cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, trong đó quy định rõ các chỉ tiêu kỹ thuật như độ Brix, độ khô, hàm lượng chất xơ… cho từng giống sầu riêng. Điều này giúp cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách khách quan, đồng thời giúp các đối tác nước ngoài tin tưởng vào chất lượng sầu riêng Việt Nam.
Không chỉ tiêu chuẩn về trái sầu riêng, quy trình phân loại và đóng gói cũng cần cải thiện. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp vẫn sử dụng phương pháp gõ trái bằng dụng cụ thô sơ để phân loại, dẫn đến sai số lớn. Trong khi đó, các nước phát triển đã áp dụng công nghệ hiện đại như máy quét tia hồng ngoại để tuyển lựa trái cây xuất khẩu. Nếu không có bước chuyển mình trong khâu này, sầu riêng Việt Nam sẽ khó duy trì lợi thế cạnh tranh.
Nhiều nông dân tại Gia Lai, Đắk Lắk đã áp dụng mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và thu được lợi nhuận cao. Chẳng hạn, gia đình ông Châu Văn Hận (huyện Chư Prông, Gia Lai) đang trồng 250 cây sầu riêng VietGAP trên diện tích 1,5 ha, đạt sản lượng 35 tấn/năm. Với giá bán tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg, ông Hận có thể đạt lợi nhuận lên tới 2,4 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, trồng sầu riêng là một lĩnh vực rủi ro cao do cây trồng này dễ nhiễm sâu bệnh, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Nếu không được đào tạo bài bản, nông dân khó có thể đạt được năng suất và chất lượng mong muốn. Do đó, ngành nông nghiệp cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhà vườn thực hành đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, các công nhân thu mua, phân loại sầu riêng cũng cần được đào tạo bài bản, thậm chí có thể cấp chứng chỉ hành nghề để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.
Tiêu chuẩn hóa để nâng cao vị thế sầu riêng Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn sầu riêng nhằm kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất và mã số vùng trồng. Đây là một đề xuất quan trọng, giúp ngành sầu riêng Việt Nam hội nhập sâu hơn với thị trường quốc tế.
Hiện tại, nhiều loại trái cây Việt Nam như thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn… đã có tiêu chuẩn quốc gia và chỉ dẫn địa lý, giúp nâng cao giá trị xuất khẩu. Nếu sầu riêng cũng có một bộ quy chuẩn bài bản, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Trung Quốc, Mỹ, EU.
Trước mắt, bộ tiêu chuẩn này cần tập trung vào bốn nhóm chính: đặc điểm cảm quan (độ Brix, hương vị, màu sắc, kết cấu múi…), quy trình canh tác (tuân thủ VietGAP, GlobalGAP), tiêu chuẩn đóng gói và vận chuyển (vệ sinh, nhiệt độ, độ ẩm…) và bảo vệ thương hiệu (đăng ký chỉ dẫn địa lý, kiểm soát mã số vùng trồng).
Việc xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng không chỉ giúp kiểm soát chất lượng, mà còn tạo tiền đề để sản phẩm này vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, sánh vai với những nông sản xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như thanh long, xoài, vải thiều. Nếu làm tốt, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu nông sản hàng đầu thế giới.
Duy Trinh